• Hệ thống Phòng tiêm chủng SAFPO

"Tầm quan trọng của bảo vệ dài hạn trong phòng chống Viêm não Nhật bản"

"Tầm quan trọng của bảo vệ dài hạn trong phòng chống Viêm não Nhật bản"

Chiều thứ sáu ngày 27/5/2022, Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên đề: "Tầm quan trọng của bảo vệ dài hạn trong phòng chống Viêm não Nhật bản" tại TP.HCM với hai đơn vị tài trợ là Sanofi Aventis Việt Nam và AMV Group. Đến tham dự hội thảo là khoảng 40 chuyên gia làm việc trong các chuyên ngành Nhiễm, Nhi và Y Học Dự Phòng đến từ các Viện, Bệnh viện, Trung Tâm Phòng Chống Bệnh Tật (CDC) và Trung tâm Tiêm chủng lớn trong cả nước. GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Y học Dự phòng Việt nam là Chủ tọa điều hành hội thảo.

Viêm não Nhật bản là một bệnh nhiễm có tỉ lệ tử vong cao và di chứng thần kinh nặng nề nhưng có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Nhờ có chương trình Tiêm chủng Mở rộng, số ca mắc viêm não Nhật bản đã giảm đáng kể từ 2000-3000 ca mỗi năm thập niên 1990 xuống còn khoảng 200 ca trong những năm gần đây. Hiện nay đã có nhiều loại vắc-xin Viêm não Nhật bản được cấp phép lưu hành, cung cấp thêm các lựa chọn bổ sung cho việc phòng ngừa viêm não Nhật bản. Dù đã có vắc-xin phòng bệnh, số ca mắc viêm não Nhật bản ở Việt nam vẫn còn cao so với các nước trong khu vực đặt ra các câu hỏi trong thực hành lâm sàng về tầm quan trọng của sự bảo vệ dài hạn và việc chuyển đổi giữa các vắc-xin sau (các) mũi tiêm cơ bản.

Hội thảo bao gồm 2 báo cáo chuyên đề, 2 bài trình bày của nhà tài trợ và một phiên thảo luận mở với các nội dung đáng chú ý như sau:

  • Báo cáo 1: Đặc điểm lâm sàng và điều trị bệnh Viêm não Nhật bản (TS. BS. Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc TTBNĐ, Bệnh viện Nhi Trung Ương ). Bài trình bày lướt qua lịch sử bệnh, mầm bệnh, nguồn lây, cơ chế bệnh sinh của viêm não Nhật bản, và cung cấp chi tiết về triệu chứng, chẩn đoán, điều trị bệnh. Bài trình bày nhấn mạnh Viêm não Nhật bản là bệnh nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, di chứng thần kinh để lại nặng nề; trong khi chưa có điều trị đặc hiệu, việc phòng bệnh bằng vắc-xin là biện pháp cần thiết và hiệu quả nhất.
    Các slides trình bày dưới dạng pdf có thể xem ở đây.
  • Báo cáo 2: Dịch tễ học bệnh Viêm não Nhật bản – Dữ liệu bảo vệ dài hạn của các vắc-xin hiện có (TS. BS. Nguyễn Duy Nghĩa, Trưởng Khoa PCBTN, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương). Bài trình bày cung cấp các dữ liệu về dịch tễ học Viêm não Nhật bản trên thế giới và ở Việt nam và điểm qua chương trình tiêm chủng mở rộng Viêm não Nhật bản ở Việt nam những năm gần đây. Báo cáo cũng cung cấp các dữ liệu cập nhật: Việt nam có khoảng 200-300 ca mắc Viêm não Nhật bản mỗi năm, giảm đáng kể từ khi có chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 1997 cho Viêm não Nhật bản (2000-4000 ca mắc mới mỗi năm thập niên 1990). Hiện nay, tỉ lệ tử vong đã được kéo giảm xuống dưới 5% nhưng tỉ lệ di chứng nặng vẫn còn cao trên 50% ca mắc. Tuổi mắc bệnh hầu hết < 15 tuổi (84%) nhưng trẻ dưới 1 tuổi vẫn có thể mắc (10%) và đang có xu hướng gặp ở trẻ lớn sau 15 tuổi. Hầu hết ca mắc viêm não không tiêm vắc-xin đầy đủ (các mũi cơ bản và liều tiêm nhắc) hay lịch sử tiêm tiêm chủng không rõ. Bài báo cáo cũng cung cấp các dữ liệu lâm sàng về mức kháng thể bảo vệ sau tiêm các liều cơ bản và các liều tiêm nhắc cũng như các khuyến cáo của cơ quan quản lý y tế các nước Nhật Bản, Hàn quốc, Đài Loan về các mũi tiêm nhắc cho trẻ sống trong vùng dịch tễ viêm não Nhật bản. Có thể tóm tắt các loại vắc-xin viêm não Nhật bản đang lưu hành với các đặc tính vắc-xin, liều cơ bản, liều tiêm nhắc (cho trẻ em) như dưới đây:

  • Bài trình bày của Nhà tài trợ vàng: “Tiêm phòng Viêm não Nhật bản cho người lớn – Tại sao và như thế nào? (ThS. BS. Trương Thọ Lộc, Phòng Y Khoa, Sanofi Aventis Việt Nam). Bài trình bày cung cấp dữ liệu để trả lời 2 câu hỏi cơ bản: (1) người lớn có chỉ định tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật bản không và (2) liều dùng - cách dùng từng loại vắc-xin viêm não nhật bản cho người lớn đang lưu hành ở Việt nam trong đó việc sử dụng vắc-xin sống giảm độc lực tái tổ hợp cung cấp một sự lựa chọn đơn giản, dễ dàng và hiệu quả (chỉ một liều tiêm duy nhất cho người lớn).
    Các slides trình bày dưới dạng pdf có thể xem ở đây.
  • Bài trình bày của Nhà tài trợ bạc: “Giới thiệu vắc-xin Viêm não Nhật bản JEEV” (BS. Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc phát triển AMV Group). Bài trình bày cung cấp các thông tin cơ bản về vắc-xin viêm não Nhật bản JEEV được cấp phép lưu hành ở Việt nam. Đây là loại vắc-xin viêm não Nhật bản bất hoạt nuôi cấy tế bào thế hệ 2 được sử dụng khá rộng rãi trên thế giới với vắc-xin gốc là Ixiaro của châu Âu, nhượng quyền sản xuất tại Ấn độ với tên gọi JEEV và tại Úc với tên JESPECT.
    Các slides trình bày dưới dạng pdf có thể xem ở đây.
  • Phiên thảo luận mở và kết luận:

Thảo luận đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều câu hỏi cho các báo cáo viên để làm rõ thêm các vấn đề về chẩn đoán, các ca nhiễm không triệu chứng; xu hướng mắc bệnh dịch chuyển qua lứa tuổi lớn hơn, thời gian theo dõi các mức hiệu giá kháng thể bảo vệ của vắc-xin bất hoạt nuôi cấy trên tế bào Vero, của vắc-xin sống giảm độc lực tái tổ hợp...; khả năng miễn dịch tự nhiên do muỗi Culex đốt trong vùng dịch tễ. Rất nhiều câu hỏi và trả lời thú vị trong suốt phiên thảo luận mở.

Cuối hội thảo, GS. Nguyễn Trần Hiển đã tóm tắt các ý chính đồng thuận trong hội thảo:

  • VNNB là bệnh nguy hiểm; may mắn thay đã có vắc-xin giúp giảm số ca mắc đáng kể. Vắc-xin VNNB là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng bệnh
  • Hiện nay VN có 3 loại vắc-xin VNNB khác nhau sử dụng trong chương trình TCMR và tiêm chủng dịch vụ, qua đó cung cấp nhiều sự lựa chọn cho người dân. Cần cân nhắc lợi ích /chi phí (xét các yếu tố hiệu quả, an toàn, giá cả, số mũi tiêm, sự sẵn có của vắc-xin...) khi tư vấn kê toa vắc-xin Viêm não Nhật bản. Cần tuân thủ các hướng dẫn sử dụng, nhất là chỉ định, liều dùng cách dùng của Nhà sản xuất.
  • Cân nhắc sử dụng các mũi tiêm nhắc để có sự bảo vệ dài hạn. Nhiều vắc-xin viêm não Nhật bản có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể sử dụng làm mũi tiêm nhắc sau khi trẻ đã hoàn tất (các) mũi tiêm cơ bản.
  • Các vắc-xin với lịch tiêm đơn giản như vắc-xin sống giảm độc lực, tái tổ hợp hoặc bất hoạt trên tế bào Vero chỉ cần 1 liều tiêm nhắc cho trẻ đã hoàn tất lịch tiêm cơ bản với các vắc-xin khác nhau trước đó có thể là một lợi thế trong chọn lựa do tính tiện lợi và hiệu quả.